Kết quả đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem trong thời gian qua cho thấy không liên quan đến chất lượng vắc-xin.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định thông tin trên.
Trước tình hình, một số phụ huynh "bỏ rơi" vắc-xin "5 trong 1" thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng do nghi ngại những trường hợp trẻ tử vong do tiêm loại vắc xin Quinvaxem. Chúng tôi có cuộc trao đổi với TS.BS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để làm rõ vẫn đề này.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Dương Thị Hồng, chương trình TCMR luôn là một trong những chương trình mục tiêu về y tế được ưu tiên tại Việt Nam. Hiện nay 12 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đã có vắc-xin trong Chương trình TCMR (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, sởi, rubella, tả, thương hàn).
Chương trình TCMR ở Việt nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và quốc tế đánh giá cao, công tác tổ chức triển khai tiêm chủng của Việt Nam được nhiều quốc gia trong khu vực học hỏi.
Vị tiến sĩ này cũng cho hay, thực tế trên 90% trẻ dưới 1 tuổi đã được sử dụng các vắc-xin trong Chương trình TCMR hằng năm. Kết quả là một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong Chương trình TCMR đã giảm rõ rệt, từ hàng chục đến hàng trăm lần. Một số bệnh đã được thanh toán và loại trừ: bệnh Bại liệt đã được thanh toán từ năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh đã được loại trừ từ năm 2005.
Sắp tới, một số loại vắc-xin sẽ tiếp tục được đưa vào Chương trình TCMR như: vắc-xin phòng tiêu chảy do vius rota, vắc-xin phòng viêm phổi do phế cầu. Điều này sẽ góp phần hạn chế được tình trạng người dân phụ thuộc vào vắc-xin dịch vụ như hiện nay.
Vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem trong Chương trình TCMR là vắc-xin nhập ngoại, do Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) viện trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cung ứng cho Việt Nam. Đây là vắc-xin được Tổ chức Y tế thế giới tiền kiểm định về chất lượng.
Đã có trên 400 triệu liều vắc-xin đã được sử dụng ở hơn 40 nước trên thế giới. Tại Việt Nam đã gần 23 triệu liều đã được sử dụng cho trẻ em từ năm 6/2010.
Kết quả đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem trong thời gian qua cho thấy không liên quan đến chất lượng vắc-xin. Nguyên nhân chủ yếu do các bệnh lý khác trong cơ thể trẻ tại thời điểm tiêm như nhiễm trùng huyết, viêm não-màng não, viêm phổi, suy hô hấp, bệnh tim bẩm sinh, chết đột tử, sặc sữa...
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng khuyến cáo: Thời gian tới, cũng cần có sự nhìn nhận đúng đắn, sự ủng hộ của các phương tiện truyền thông đại chúng để cộng đồng hiểu và tin tưởng vào chất lượng vắc-xin trong Chương trình TCMR, hiểu được trách nhiệm đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em.
Nếu không được tiêm chủng đúng lịch, thiếu mũi tiêm, trẻ sẽ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi... Các biến chứng nguy hiểm của bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai của trẻ, thậm chí tử vong. Nếu vì lý do nào đó mà trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, cần cho trẻ đi tiêm chủng ngay sau đó.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, khi đưa con đi tiêm chủng, phụ huynh cần thông báo cụ thể về tình trạng sức khỏe, bệnh cấp tính hoặc mạn tính mà trẻ mắc phải, các loại thuốc mà trẻ đang sử dụng để các bác sĩ đưa ra quyết định phù hợp, có thể hoãn tiêm cho tới khi sức khỏe của trẻ đáp ứng điều kiện tiêm chủng.
Đồng thời, các bà mẹ cần chủ động hỏi cán bộ y tế để được tư vấn đầy đủ về cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Cũng xin lưu ý với các bà mẹ, vắc-xin Quinvaxem cũng như thuốc, không có loại vắc-xin nào là tuyệt đối an toàn.
Các bà mẹ cần phát hiện sớm các biểu hiện bất thường như trẻ sốt cao, co giật, khóc thét, tím tái, khó thở, bú ít, bỏ bú, li bì... để có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế nhằm xử trí kịp thời, tránh rủi ro đáng tiếc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét