Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Điều cần đặc biệt lưu ý với bệnh nhân sốt xuất huyết để tránh bị sốc

ThS.BS Nguyễn Quốc Thái, Phòng Cấp cứu, khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai đã đưa ra những khuyến cáo rất bổ ích với người bệnh sốt xuất huyết.

3

ThS.BS Nguyễn Quốc Thái, Phòng Cấp cứu, khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai đã đưa ra những khuyến cáo rất bổ ích với người bệnh sốt xuất huyết (SXH).

Cẩn thận sốc do truyền dịch

Bệnh SXH do virus gây nên. Muỗi vằn gây bệnh SXH, sau thời gian đốt người bệnh, virus vào cơ thể người, thời gian ủ bệnh 7-10 ngày mới có thể gây bệnh. Hiện chưa có bằng chứng bệnh SXH lây từ người sang người mà phải thông qua trung gian là muỗi. Sốt và xuất huyết là 2 biểu hiện nổi bật nhất trong SXH. Một biểu hiện đặc trưng là thoát huyết tương như tràn dịch trong khoang màng phổi, nặng hơn là thoát huyết tương gây giảm thế tích tuần hoàn, làm huyết áp tụt, gây sốc. ..

Trong quá trình điều trị SXH, bệnh nhân sốt thường dùng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như chườm, lau người, dùng thuốc hạ sốt. Bên cạnh dùng thuốc hạ sốt cần bồi phụ nước và điện giải, nhất là trong những ngày đầu bị sốt.

“Tâm lý người dân thường muốn nhanh chóng thoát ra khỏi căn bệnh, thường tự ý truyền dịch. Điều này rất nguy hiểm, không truyền dịch khi không có chỉ định. Bệnh nhân cần tuân theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Khi truyền dịch có thể làm bệnh nhân bị quá tải dịch truyền vào gây phù phổi. Truyền dịch không đúng chỉ định có thể gây sốc, sốc do truyền dịch chứ không phải sốc do SXH. Bên cạnh đó làm người dân chủ quan, không đến bệnh viện khi có dấu hiệu nặng”- ThS. Thái cảnh báo.

Ở bệnh nhân SXH cần theo dõi sát để phát hiện những dấu hiệu cảnh báo trong SXH. Khi bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, người bệnh cần được theo dõi tại bệnh viện để bồi phụ bằng truyền dịch hoặc uống. Biểu hiện gồm: Sốt kèm theo vật vã, li bì, khi gọi hỏi chậm trả lời, đau bụng phần phía trên bên phải, phần vùng gan (đây là biểu hiện cảnh báo dễ đi vào sốc), dấu hiệu nôn mửa nhiều, tiểu ít, xuất huyết khu vực niêm mạc như rỉ máu chân răng. Những dấu hiệu này cần phải điều trị theo dõi tại bệnh viện chứ không thể điều trị ở nhà được. Sốc trong SXH có nguy cơ dẫn đến tử vong nên khi có những nguy cơ sốt phải nhập viện ngay.

Cũng theo ThS. Thái, có một số người thầy thuốc thường chỉ định thuốc kháng sinh trong điều trị sốt xuất huyết. Điều này là không cần thiết, nhưng việc điều trị này không thể làm bệnh nặng lên. Một số biện pháp điều trị dân gian như giã lá nhọ nồi để hạ sốt, giải nhiệt cũng cần lưu lý, người dân nên thận trọng. Nếu bệnh nhân uống lá nhọ nồi, bị nôn ra, sẽ làm người bệnh không phát hiện ra xuất huyết tiêu hoá. Khi bị xuất huyết tiêu hoá người bệnh cũng nôn ra dịch màu đen.

2

SXH với phụ nữ mang thai

Trong bệnh SXH Dengue, tràn dịch màng phổi là một biểu hiện của tình trạng thoát huyết tương. Do tính chất gây bệnh của con virus, những thành phần huyết tương thoát ra lòng mạch máu tích dịch trong khoang màng phổi. Sau khi bệnh hồi phục thì dịch trong màng phổi có thể hấp thu và có thể không để lại di chứng gì.

Chị em đang mang thai mắc SXH, chắc chắn là nếu sốt sẽ ảnh hưởng xấu đến thai, nếu nhiệt độ cơ thể người mẹ trên 38,5 độ C trở lên, sốt càng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến em bé. Có nhiều phương án để khống chế kiểm soát thân nhiệt như chườm đá, dùng thuốc hạ sốt cho phụ nữ mang thai, nởi lỏng quần áo…

Bộ Y tế đã có hướng dẫn chi tiết về cách chẩn đoán, điều trị SXH. Khi chưa có dấu hiệu nặng, dấu hiệu cảnh báo thì người bệnh có thể điều trị tại nhà. Những trường hợp như sống 1 mình, nhà xa, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai hoặc mắc nhiều bệnh, bệnh nhân cần nhập viện theo dõi. Khi điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà cần theo dõi đặc biệt để ứng cứu, có những dấu hiệu cảnh báo như bệnh nhân khó thở, tụt huyết áp, sốc dễ dẫn đến suy cơ quan nội tạng rất nguy hiểm.

Phòng bệnh từ thói quen hàng ngày

1

ThS. Thái cho biết, sự sinh sôi của đàn muỗi liên quan đến vấn đề vệ sinh môi trường ngoại cảnh, nó chính là hậu quả trực tiếp hành vi của con người. Để tránh muỗi đốt, cần nằm màn tuy việc nằm màn nhất là vào mùa nóng gây cảm giác khó chịu. Muỗi đốt gây bệnh SXH thường đốt chúng ta lúc sáng sớm, hoặc chiều tối cũng có nhưng ít. Nhiều người nghĩ rằng ngủ trưa ngắn thì không cần nằm màn nhưng vẫn cần thiết vì việc làm này sẽ giảm yếu tố nguy cơ bị muỗi đốt.

Bên cạnh đó, các biện pháp vệ sinh không đặc hiệu giúp giảm yếu tố nguy cơ từ môi trường cũng rất quan trọng như vệ sinh tay chân. Cha mẹ nên tạo thói quen tốt, làm gương cho trẻ đơn giản như việc rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Cần tạo môi trường vệ sinh trong gia đình phải thật ngăn nắp, sạch sẽ để tránh bị muỗi đốt, lây nhiễm nguồn bệnh….


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét