Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Sự thật "thần dược" thuốc cam làm trẻ ngáo ngơ?

Thuốc cam được nhiều bà mẹ truyền tai nhau như một “thần dược” chữa lở loét, chứng biếng ăn, hay khóc ở trẻ em…

Thời gian gần đây, thuốc cam đang được nhiều bà mẹ truyền tai nhau như một “thần dược” chữa lở loét, chứng biếng ăn, hay khóc ở trẻ em… Tuy nhiên, từ thực tế ghi nhận của PV, trên thị trường hiện đang bày bán nhiều loại thuốc cam trôi nổi. Dù gắn mác gia truyền, nhưng nó không những không giúp trẻ khỏe mạnh mà còn khiến các bé có nguy cơ bị ngộ độc chì cao.

Vô tình... đầu độc con

Ngày 11/11 trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) vừa ghi nhận thêm một trường hợp trẻ bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam trong thời gian dài. Bệnh nhân là cháu Trần Minh N. (6 tuổi, ở Việt Yên, Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng cơ thể bị nhiễm độc chì nặng. Cháu N. nhập viện trong tình trạng nôn liên tục, da xanh xao, phản ứng rất chậm.

thuoc cam 1TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai kiểm tra sức khỏe bé N..

Theo ghi nhận, trước đó, cháu N. hoàn toàn bình thường trong sinh hoạt hàng ngày, cũng như tiếp xúc với người thân. Tuy nhiên, theo nội dung khai báo bệnh án từ mẹ cháu N. cho thấy, do sốt ruột vì con trai lười bú, chậm tăng cân nên chị đã mua thuốc cam cho con uống từ khi cháu mới vài tháng tuổi. Thấy con tăng cân, chị càng cho con uống thuốc cam nhiều hơn. Thậm chí, chị còn trộn thuốc cam vào cháo cho con ăn đến hơn 1 tuổi mới dừng. Lúc này, cháu N. bắt đầu xuất hiện những biểu hiện bất thường như: Môi khô, hay có những cơn co giật, đờ đẫn, nhận biết kém...

Khi những biểu hiện bất thường tăng cao, người nhà mới cho cháu N. nhập viện. Kết quả xét nghiệm từ bệnh viện cho thấy, hàm lượng chì trong máu cháu Trần Minh N. là 26,19mcg/dcl (cao gấp nhiều lần lượng chì cho phép trong cơ thể). Các bác sỹ tại đây cũng chẩn đoán, cháu N. bị nhiễm độc chì nặng, nguyên nhân có thể do việc sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc trong thời gian dài không theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.

Cũng theo ghi nhận của PV từ trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai), đây không phải trường hợp nhập viện đầu tiên liên quan đến ngộ độc do thuốc cam. Các bác sỹ tại đây cho biết, trường hợp bị ngộ độc chì do thuốc cam đầu tiên là một bé gái. Hiện tại, bệnh nhân này đã hơn 20 tuổi nhưng ngoài biết bấm ti vi và gọi được từ “mẹ”, cháu không làm được việc gì khác kể cả vệ sinh cá nhân. Đây là một trong những di chứng của việc ngộ độc chì nặng.

Số liệu từ trung tâm này cũng cho thấy một thông tin khá “giật mình”, hiện trung tâm Chống độc đang điều trị và theo dõi cho hơn 200 trẻ em bị ngộ độc chì nặng do thuốc cam trôi nổi. Theo các bác sỹ , trẻ nhỏ rất dễ nhiễm độc chì từ thuốc cam không rõ nguồn gốc, không qua kiểm định, ngay cả khi liều dùng rất ít và trẻ phải chịu những di chứng nặng nề đến suốt cuộc đời.

Cũng ghi nhận tại khoa Hồi sức cấp cứu (bệnh viện Nhi TW) cho thấy, chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, Khoa liên tục tiếp nhận các bé nhiễm độc chì do dùng thuốc cam. Trong đó, 3 trường hợp bệnh nhi nhập viện gần đây nhất đều chỉ được phát hiện nhiễm độc khi các bé đã rơi vào tình trạng nguy kịch như co giật, li bì, hôn mê.

“Tử thần” giấu mặt

Mặc dù nguy hại là vậy song tại những chợ vùng ven đô, thuốc cam được bày bán công khai. Tại đây, những gói thuốc cam được đóng gói trong những túi nilon hay giấy báo nhỏ. Theo tìm hiểu của PV, nó được những bà lang, ông lang tự treo biển hành nghề bốc thuốc đem bán dọc đường. Tại một con đường nhỏ dẫn vào làng thuốc đông y Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), PV dễ dàng tìm mua được một gói thuốc cam.

Theo người bán hàng ở đây, vị thuốc cam được chế theo phương thức gia truyền. Nếu cho trẻ uống, đảm bảo trẻ sẽ ăn nhiều và tăng cân nhanh. Giá gói thuốc là 75.000 đồng.

Quan sát của PV, gói thuốc cam bày bán ở trên được chế theo dạng viên tròn nhỏ, vị hồng đơn, có 100 viên, đóng trong túi nilon. Theo chủ cửa hàng này, nếu không thích dùng dạng viên nén, cửa hàng cũng có những gói thuốc cam được đóng dạng bột...

Liên quan đến vấn đề này, lương y Nguyễn Tiến Vinh – viện Y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, thuốc cam là tên gọi dân dã của bài thuốc y học cổ truyền, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường được dùng chữa các bệnh ở trẻ nhỏ như tưa lưỡi, loét miệng, táo bón do nóng trong... Bài thuốc này gồm nhiều loại dược liệu trong đó thành phần chính là tinh dầu cây chàm. Ở miền Bắc, thuốc cam được sử dụng khá phổ biến, thường do các cơ sở gia truyền bào chế.

Theo lương y Vinh, các vị thuốc thường được dùng là: Hoài sơn, ý dĩ, bạch biển đậu, sa sâm, chất thải của con quy (con mọt gạo)... tán bột thành thuốc cam. Thuốc này chính là men tiêu hóa bổ sung giúp trẻ tiêu hóa tốt, ăn ngon miệng. Các loại thuốc được chế biến đều thuộc loại bổ, không có độc tố. Tuy nhiên, việc điều trị vẫn phải qua thăm khám chứ không thể tự ý mua về dùng. Cũng theo lương y Vinh, hiện nay rất khó kiểm soát nguồn nguyên liệu đông y và phương thức chế tại các cơ sở tư nhân khiến hàm lượng chì tồn dư trong thuốc cam là rất lớn. Chính điều này đã gây ra những vụ ngộ độc cho người sử dụng thuốc cam.

Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn - trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết, người dân khi mua thuốc cam về thường bôi lên môi, lên lưỡi trẻ hoặc pha vào cháo cho trẻ ăn. Tuy nhiên, việc trẻ nhiễm độc chì không phải do số lần được bôi lên mà chính là việc hàm lượng chì thường rất lớn trong mỗi gói thuốc cam nên nguy cơ nhiễm độc là rất cao.

Khi đã có những biểu hiện nặng về thần kinh, các cháu có thể gánh chịu những di chứng nặng nề như: Chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt vĩnh viễn. “Chì là chất rất độc hại cho sức khỏe, gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày, đường ruột, tim mạch và thận. Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này tích lũy lâu trong nội tạng (đặc biệt là xương) và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài”, bác sỹ này cho hay.

Tuy nhiên, do phần lớn trẻ bị nhiễm độc chì không có biểu hiện điển hình, nên nhiều gia đình thường chủ quan khi sử dụng thuốc.

Tự ý mua thuốc cam chế biến sẵn là rất nguy hiểm

thuoc cam 2Gói thuốc cam được PV mua tại Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội.

Theo BS. TTƯT Nguyễn Xuân Hướng – nguyên Chủ tịch hội Đông y Việt Nam, trong đông y có nhiều loại cam khác nhau như cam tỳ, cam can, cam gan, thận, nhiệt, hàn... và mỗi loại lại có các bài thuốc khác nhau. Trung bình mỗi bài có từ 7 - 18 vị, tùy theo bệnh lý và cơ thể của từng trẻ mà gia giảm cho phù hợp. Việc cha mẹ tự ý mua thuốc cam gia truyền chế biến sẵn cho con là rất nguy hiểm, bởi không rõ con bị bệnh cam gì, chẳng may con bị hàn mà mua phải cam hàn sẽ càng khiến con bị tổn thương đường ruột và đi ngoài. Nếu cam nhiệt mà mua phải thuốc nhiệt thì càng nhiệt thêm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét