ARV được người nhiễm HIV/AIDS xem là "phao cứu sinh" giúp họ kéo dài cuộc sống khỏe mạnh song loại thuốc này đang đứng trước nguy cơ khó tiếp cận hơn
Hiện các tổ chức quốc tế đang cắt giảm kinh phí viện trợ cho yêu cầu mua thuốc ARV tại Việt Nam, vì vậy sắp tới đây, người nhiễm HIV sẽ không được nhận thuốc ARV miễn phí.
Chỉ 30% người nhiễm HIV có BHYT
Chị Phạm Thị Hiền - 35 tuổi, Trưởng nhóm tự lực "Vì ngày mai tươi sáng" ở Bắc Ninh - cho biết chị sống chung với căn bệnh này đã 15 năm. Nhờ được điều trị bằng thuốc ARV, đứa con chị sinh ra không bị nhiễm HIV. Bản thân chị vẫn khỏe mạnh, làm việc và chăm sóc gia đình, con cái.
Gần đây, chị Hiền trở nên lo lắng trước thông tin nguồn viện trợ cho công tác điều trị bằng thuốc ARV đang bị cắt giảm dần và sẽ không còn được phát miễn phí trong tương lai gần. "Tới đây, người nhiễm HIV sẽ không còn được nhận miễn phí thuốc ARV mà thay vào đó nguồn quỹ BHYT sẽ được đưa vào sử dụng. Nếu có BHYT, được điều trị lâu dài và giảm chi phí thì chắc chắn người nhiễm HIV đều mong muốn được tham gia BHYT. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết người nhiễm HIV rất khó khăn về kinh tế nên khó có điều kiện tham gia" - chị Hiền nói.
Theo chị Hiền, ngay trong nhóm tự lực "Vì ngày mai tươi sáng" tại Bắc Ninh có đến 90% phụ nữ nhiễm HIV đã mất chồng, cuộc sống bấp bênh, ai thuê gì làm nấy. Do vậy, việc mua BHYT và cùng chi trả chi phí điều trị đối với nhiều người trong nhóm rất khó khăn. Đã vậy, một số anh chị em đã nhiễm HIV còn bị thêm bệnh lao, viêm gan C nên chi phí điều trị là cả vấn đề lớn, thậm chí đã có người phải từ bỏ điều trị bệnh đồng nhiễm vì không chi trả được.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết khó khăn hiện nay là chỉ có 30% người HIV có thẻ BHYT và không phải tất cả họ đều chủ động sử dụng thẻ BHYT khi khám chữa bệnh vì sợ lộ danh tính, bị kỳ thị. Thêm vào đó, mức đồng chi trả 20% cũng là rào cản đối với những người nhiễm HIV khó khăn.
ARV không còn miễn phí
Theo ông Long, điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS được Việt Nam triển khai từ năm 2004 và thuốc được cấp miễn phí cho người nhiễm HIV/AIDS đủ tiêu chuẩn điều trị. Đến thời điểm này, cả nước đã có hơn 100.000 người được điều trị bằng ARV tại khoảng 850 phòng khám điều trị ngoại trú và cấp thuốc trên toàn quốc. Mỗi năm Việt Nam lại có khoảng 12.000-14.000 người nhiễm HIV mới.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết với khả năng ức chế HIV hoạt động ở mức gần như không thể sinh sôi hay gây hại cho sức khỏe người bệnh, thuốc ARV giúp người bệnh dần hồi phục hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, từ đó giảm các chi phí điều trị. Các nghiên cứu đã khẳng định việc tuân thủ phác đồ điều trị bằng thuốc ARV sẽ làm giảm 96% nguy cơ lây truyền HIV cho người khác; đồng thời giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. "Phụ nữ mang thai nhiễm HIV nếu được điều trị bằng ARV và có các biện pháp dự phòng thì tỉ lệ lây truyền sang con chỉ dưới 2%, thay vì 30%-40% nếu không điều trị" - ông Long nhấn mạnh.
Ông Long cho hay thuốc ARV đang được cấp phát miễn phí cho người nhiễm HIV chủ yếu từ nguồn tài trợ quốc tế (chiếm khoảng 95%). Ước tính mỗi năm, số tiền chi trả cho loại thuốc này khoảng 420 tỉ đồng. Trong thời gian tới, các nguồn tài trợ sẽ dần cắt giảm và tiến tới kết thúc hoàn toàn vào cuối năm 2017, đặt ra thách thức lớn trong công tác phòng chống HIV/AIDS. "Nếu không sớm có kế hoạch tài chính bền vững để duy trì việc điều trị HIV bằng thuốc ARV liên tục và ổn định, nguy cơ đại dịch bùng phát sẽ trở lại, thậm chí còn nguy hiểm hơn trước vì virus có thể đột biến và kháng lại thuốc ARV khi việc điều trị bị gián đoạn" - ông Long lo ngại.
Với mong muốn người nhiễm HIV được dễ dàng tiếp cận thuốc điều trị, GS-TS Trịnh Quân Huấn - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, thành viên tổ chuyên gia của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và ma túy, mại dâm, - cho rằng Việt Nam cần sớm chủ động về nguồn thuốc điều trị. Việc sản xuất thuốc giá rẻ ở Việt Nam sẽ vừa bảo đảm vấn đề kinh tế vừa giúp những người có khả năng mua được thuốc này sớm hơn.
Có thể sống thêm 50 năm nhờ ARV
GS-TS Trịnh Quân Huấn cho biết nghiên cứu cho thấy thuốc ARV đã giúp người nhiễm HIV kéo dài tuổi thọ, sống được thêm 15-20 năm. Hiện rất nhiều người nhiễm HIV từ năm 2004 đến nay vẫn còn sống và theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới, nếu điều trị ARV từ khi nhiễm thì người nhiễm có thể sống thêm tới 50 năm. Đặc biệt, nếu điều trị bằng ARV tốt, liên tục, suốt đời thì có thể khống chế hoàn toàn HIV. Từ những năm 2008-2009, mỗi năm Việt Nam phát hiện từ 20.000-30.000 ca nhiễm HIV mới thì hiện nay, mỗi năm chỉ phát hiện 10.000-20.000 ca mới. Rõ ràng đây là một biện pháp khống chế dịch rất tốt.
Hướng tới mục tiêu 90-90-90 về phòng chống HIV/AIDS
Hội nghị khoa học quốc gia về phòng chống HIV/AIDS lần thứ 4 khai mạc sáng 24-11 tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học quốc tế vừa là người chủ trì các phiên hội nghị, hội thảo vệ tinh, vừa báo cáo chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất về phòng chống HIV/AIDS trong nước và khu vực.
Theo GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, từ sau ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam năm 1990, đến nay số người nhiễm HIV còn sống được báo cáo là 227.154, số bệnh nhân AIDS là 83.538 và đã có 86.000 người tử vong. Hiện có 80,3% số xã, phường; 98,9% số quận, huyện và 100% tỉnh, thành phố có báo cáo về người nhiễm HIV/AIDS. Dịch bệnh này đang là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam. Chủ đề "Hướng tới mục tiêu 90-90-90 về phòng chống HIV/AIDS" của hội nghị cũng chính là mục tiêu của Việt Nam. Cụ thể, đến năm 2020 sẽ có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định. Đây là mục tiêu mà toàn cầu đang hướng tới và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cam kết hưởng ứng mục tiêu này.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam cần bắt đầu thực hiện các mục tiêu ngay từ bây giờ chứ không phải chờ đến năm 2020; đồng thời yêu cầu đặt ra mục tiêu 100-100-100 để sớm kết thúc đại dịch AIDS ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét