20 sản phẩm đồ chơi của Trung Quốc được cảnh báo là độc hại, được đề nghị thu hồi, cấm nhập khẩu vào Châu Âu, nhưng lại có thể dễ dàng tìm thấy ở TP.HCM.
Đồ chơi của Trung Quốc có thể gây vô sinh
RAPEX (Hệ thống cảnh báo nhanh của Liên Minh Châu Âu đối với các sản phẩm tiêu dùng không an toàn, bảo vệ người tiêu dùng) mới đây đã đưa ra khuyến cáo, nhiều loại đồ chơi dành cho trẻ em, có nguồn gốc và xuất xứ từ Trung Quốc có chứ chất độc hại, đã bị đề nghị thu hồi và cấm nhập khẩu vào các nước thuộc khu vực Châu Âu.
Có đến 20 sản phẩm đồ chơi của Trung Quốc nằm trong danh mục bị cảnh báo này, bao gồm những loại đồ chơi mà trẻ em rất thường hay dùng như: Đồ chơi nhà bếp, đồ chơi búp bê nhựa, bộ đồ chơi kính tập lặn, tập bơi…
Ngoài ra, còn rất nhiều thứ đồ chơi khác của Trung Quốc mà RAPEX đưa vào diện cảnh báo, đáng lưu ý là các bộ sticker (miếng dán đồ chơi nhựa) mà trẻ em, nhất là nữ rất ưa thích. RAPEX cho rằng, các sản phẩm này đều chứa DEHP ở mức khá cao, từ 15 – 32%.
Đây là chất đã được cơ quan y tế xác nhận có thể gây hại đến sức khỏe của trẻ, nhất là đối với cơ quan sinh sản.
Các nhà khoa học từ Hoa Kỳ cho rằng, nếu tiếp xúc với DEHP với nồng độ cao, thường xuyên thì sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của trẻ, nhất là đối với các cháu trai. Dù vậy, cho đến nay, cơ quan có chuyên môn vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào DEHP gây ra tác dụng phụ trên cơ thể người.
Thế nhưng, cơ quan y tế vẫn lên tiếng kêu gọi cần có biện pháp phòng ngừa, hạn chế sự tiếp xúc DEHP ở trẻ em, vì đây là đối tượng nhạy cảm, cơ thể của các cháu vẫn đang trong quá trình phát triển tốt.
Cấm ở Châu Âu, bày bán phổ biến ở TP.HCM
Qua thực tế ghi nhận của Chất lượng Việt Nam tại TP.HCM, các loại đồ chơi bằng nhựa, có xuất xứ từ Trung Quốc đang được bày bán rất phổ biến tại TP.HCM, nhất là các cửa hàng xung quanh các trường tiểu học.
Đặc biệt, không khó lắm để chúng tôi có thể mua được các miếng dán hoạt hình nhiều màu sắc, được bày bán xung quanh các nhà ở khu vực trường tiểu học. Những mẫu đồ chơi này đa số là được các em học sinh tiểu học rất thích, do mẫu mã đẹp mắt, giá cả rẻ. Chỉ cần bỏ ra từ 3.000 – 5.000 đồng là có thể mua được một miếng dán sticker có xuất xứ từ Trung Quốc.
Chị Phương Linh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) – một phụ huynh của trường tiểu học Trần Quang Khải, quận Gò Vấp cho biết: Từ trước tới nay, chưa bao giờ nghĩ rằng những miếng dán sticker này của Trung Quốc lại có thể độc hại đến như vậy. Chỉ đơn giản là do thấy rẻ, con thích thì mua về cho cháu dùng mà thôi.
Một cháu học sinh lớp 3 của trường tiểu học Bạch Đằng (phường 24, quận Bình Thạnh) thật thà nói: Cháu mua miếng dán sticker tại cửa hàng đối diện trường giá 5.000 đồng. Bạn nào thích hình nào thì có hình đó, đủ thứ các loại hình.
Nhiều bậc phụ huynh tại TP.HCM khi được chúng tôi hỏi, đều đã khẳng định rằng: Thà chịu tốn một chút, mua đồ chơi Việt Nam cho con an toàn, còn hơn là sau này tốn tiền cho con đi chữa bệnh còn mệt nhọc hơn.
“Cách tốt nhất là cần phải giải thích cặn kẽ cho con trẻ hiểu những tác hại của các loại đồ chơi giống như vậy, thì về sau, chắc chắn là các con sẽ không bao giờ đòi nữa” – anh Nguyễn Việt Hùng, một phụ huynh kết luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét