Cuộc vi hành… công khai kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, đã đem đến những bất ngờ.
Nhưng trước khi đến với câu chuyện vi hành ấy, xin Quý độc giả ghi nhớ vài chi tiết khác.
1. Cái chết bất ngờ và cái chết được báo trước
Tháng 8/2015, một người đàn ông 53 tuổi đã chọn cách kết thúc chuỗi ngày tuyệt vọng của mình bằng cách lao đầu từ tầng 7 xuống đất tại viện Đa khoa TƯ Cần Thơ.
Lá thư tuyệt mệnh trong túi nạn nhân nói rõ ông mắc ung thư giai đoạn cuối, không thể chữa chạy.
Trước đó, tháng 1/2015, người ta phát hiện Nguyễn T.H, nam sinh năm cuối trường CĐ Thương Mại Đà Nẵng, treo cổ tự tử. “Ung thư” cũng là hai từ mà nam sinh nhắc đến trong thư tuyệt mệnh.
Cách đây vài năm, bệnh viện K (bệnh viện đầu ngành về ung thư) ở trong tình trạng quá tải đến 300%. Có phòng, 4 bệnh nhân nằm một giường.
Ở nhiều bệnh viện khác, phóng viên chụp được cả hình ảnh bệnh nhân nhi chen nhau nằm cả trong gầm giường bệnh.
Phải mất 15 năm, lời hứa giảm tải bệnh viện từ thời Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, mới bắt đầu được thực hiện một phần dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bên cạnh thành thích ấy, lại là một điều đau đớn: Phòng bệnh được giảm tải nhưng số người bị bệnh trong xã hội lại tăng lên rất nhiều so với trước.
Tại sao vậy?
Tại vì chúng ta mới chỉ lo được phần ngọn: Xây thêm nhiều phòng bệnh để san sẻ bệnh nhân, đào tạo thêm nhiều bác sĩ để thêm người khám chữa.
Chứ chúng ta không giải quyết được phần gốc: Giảm tỉ lệ người Việt Nam mắc bệnh.
Xã hội phát triển, kinh tế phát triển, tại sao người Việt lại ngày càng lắm bệnh tật đến như vậy? Câu trả lời quan trọng nhất, tất cả mọi người đều biết: Người Việt đang đầu độc nhau hàng ngày.
Và như vậy, sẽ có rất nhiều cái chết được báo trước 2 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm.
2. “Luống rau xanh hơn” trong con mắt Phó Thủ tướng
Tất cả mọi người đều biết vấn nạn nhưng chúng ta đã làm gì để thay đổi?
Dù bận rộn, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không chỉ ngồi bàn giấy đọc báo cáo. Ông tranh thủ những lúc nghỉ để tiếp cận dành những lúc nghỉ để “chạy ra ngoại thành Hà Nội”.
Ở đấy ông thấy một chuyện lạ: “Ở ngoại thành Hà Nội và vùng lân cận, người nông dân ở quê có 2 luống rau, luống cho mình và luống để bán. Luống cho mình thì rau xấu hơn, luống để bán thì xanh hơn”.
Bạn đọc chắc đã hiểu: Luống rau xanh hơn là luống có thể giết người.
Cách đây một thời gian, một sinh viên ĐH Ngoại thương bất chợt gặp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vi hành tại bệnh viện Việt Đức.
Bức hình được bạn sinh viên chụp vội Phó Thủ tướng giả dân thường, đội mũ lưỡi trai che nửa mặt, mặc áo gió như thường dân lách qua chiếc cổng sắt, có sức lay động lớn.
Sau những cuộc vi hành thực sự ấy, chắc chắn ông gặt hái được nhiều điều và người bệnh cũng sẽ được hưởng lợi.
Kết quả cuộc vi hành… công khai, đông đảo thành phần đi theo của Bộ trưởng Phát và Bộ trưởng Tiến đến chợ Đồng Xuân tháng 1/2013 để kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đã gây bất ngờ cho cả cánh báo chí và dân chúng.
Tất cả các mặt hàng được test nhanh, đều âm tính với chất cấm. Kết quả “mỹ mãn” này khiến một tờ báo lớn đã giật tít rất đúng, nhưng đầy ẩn ý “Bộ trưởng vi hành, thực phẩm sạch như mơ”.
Còn người dân xung quanh thì chép miệng: “Ô, hóa ra Bộ trưởng đã vi hành à?".
3. Quả lê 5 tháng vẫn tươi của PGS và câu hỏi “lo cho dân thế nào đây?”
Kết quả của cuộc vi hành công khai, nếu đặt cạnh một kết quả kiểm tra cùng thời điểm, của một PGĐ Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thị Như Mai, thì sẽ thấy những băn khoăn không nhỏ.
Đoàn kiểm tra của bà Mai kiểm tra ngẫu nhiên một hội chợ, thì đã phát hiện tới 700 mặt hàng giả.
Nếu cuộc kiểm tra này không “ngẫu nhiên” mà rầm rộ như cuộc vi hành kia, liệu có phát hiện được 700 mặt hàng giả?
Bộ trưởng Phát đã “lạnh sống lưng” kêu lên “độc ác quá” khi biết người ta ủ chuối bằng thuốc diệt cỏ cực độc.
Ông cũng đã rất đúng khi nhấn mạnh: “Không có lý do gì mà người Việt Nam phải ăn thực phẩm bẩn hơn các nước khác”.
Bộ trưởng Tiến cũng đặt vấn đề không sai: “Kêu gọi người tiêu dùng thông thái nhưng ra chợ thì làm sao biết được thịt, cá, thực phẩm nào là sạch...
Muốn người tiêu dùng thông thái thì nhà quản lý phải lo cho dân”.
Lo cho dân thế nào đây, khi mà trên thị trường có tới 2.000 loại hóa chất bảo quản, nhưng Việt Nam mới chỉ kiểm nghiệm được 600 loại?
Lo cho dân thế nào đây khi “ý thức được việc trái cây có hóa chất bảo quản vượt ngưỡng” nhưng Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế Lạng Sơn vẫn không đưa ra được kết quả xét nghiệm sau 3-4 năm lấy mẫu trái cây Trung Quốc kiểm nghiệm?
Lo cho dân thế nào đây, khi quả lê Trung Quốc để trong phòng PGS. TS Phạm Xuân Đà (Viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Quốc gia) vẫn tươi roi rói, mà Viện vẫn “không thể phát hiện dùng hóa chất gì”.
Viện quốc gia còn thế, thì người tiêu dùng có thông thái bằng Anhxtanh, chắc cũng quy hàng.
Lo cho dân thế nào đây, khi cái “lạnh xương sống” của Bộ trưởng chưa biến thành cái “lạnh xương sống” của những kẻ sản xuất, tẩm ướp hóa chất vào thực phẩm, của những kẻ phân phối thứ độc dược giết người đó?
4. “Diệu kế” lấy cảm hứng từ… Bộ trưởng Thăng
Cách đây vài tháng, xuất hiện clip gây chấn động thế giới: Một bác sĩ ở California đã khuỵu gối gục xuống đau đớn tột độ khi không cứu được một bênh nhân 19 tuổi, dù đã cố gắng hết sức.
Ai đó đã làm hết sức, đã đau đớn tột độ khi nhìn 75.000 người Việt chết vì ung thư mỗi năm và cả triệu người mắc bênh khác có liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, hay chưa?
Nhiều người, trong đó có tôi, không nghi ngờ gì về cái tâm muốn triệt tiêu thực phẩm bẩn của những người Bộ trưởng Tiến, Bộ trưởng Phát.
Dù hai Bộ trưởng cũng đã biến cái tâm ấy thành nhiều hội nghị, cuộc thị sát, vi hành công khai, những công văn, chỉ thị và cả những lời lay động cảm xúc, nhưng như thế có vẻ chưa đủ.
Người Việt có một câu rất hay vì tính quyết liệt, tính hành động của nó “bắt tận tay, day tận mặt”.
Người dân muốn nhìn thấy nhiều vị Bộ trưởng, thứ trưởng, cục trưởng có liên quan, rời bàn giấy để vi hành thực sự, đến tận ruộng rau, tận góc chợ để “bắt tận tay day tận trán” những kẻ đang tâm đầu độc đồng bào.
Cũng có thể có một “diệu kế khác”.
Khi tình trạng chen lấn xô đẩy, ngột ngạt trên xe bus lên đến đỉnh điểm, một người dân đã mời Bộ trưởng Đinh La Thăng vi hành bằng xe bus.
Sau khi Bộ trưởng Thăng vi hành, khâu phục vụ trên xe bus đã có những cải thiện đáng mừng.
Theo lối tư duy ấy, người dân nào đó có thể mời Bộ trưởng Tiến, Bộ trưởng Phát đến ăn cơm do họ nấu trong vòng một tháng.
Bữa cơm ấy được nấu từ thực phẩm trôi nổi mua ngoài chợ, như bao người dân khác vẫn phải ăn hàng ngày.
Rất có thể, sau một tháng "đồng cam cộng khổ” ấy, tình hình sẽ đổi khác.
Quý vị nào tin “diệu kế” này, hãy cho bài viết 1 like.
Lợn tiêm thuốc mê và vịt sống gấp Sau khi loạt bài về vệ sinh an toàn thực phẩm được đăng tải, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều phản ánh và ý kiến quý báu của độc giả. Xin chọn đăng một số ý kiến tiêu biểu để cả xã hội cùng lên tiếng: Tôi về quê đi mua quả mít, cô ruột của vợ ngăn lại để chốc cô đến vườn mua cho, chứ mít ra chợ người ta bơm thuốc rồi, ăn độc lắm. Quê ngoại nhà tôi hay trồng rau, mấy mợ bảo nhà nào họ cũng làm 1 mảnh riêng để ăn, còn mảnh bán thì phải phun thì mới nhanh được thu hoạch. Ông bạn trước chuyên chở lợn từ Miền Nam ra lò mổ ở Hà Nội, ông bảo lợn được tiêm thuốc cho ngủ, ra tới Hà Nội tiêm thuốc cho tỉnh và tiêm tiếp 1 mũi gì đó cho thịt lợn tươi rồi mới giết. Ngày còn nhỏ tôi nhớ là nuôi 1 con vịt từ nhỏ đến lúc được thịt mất khoảng 3 tháng giờ người ta nuôi chỉ 50 ngày, đến 40 ngày, chưa đủ cân thì cho thêm tăng trọng, thiếu lông thì cho thêm thuốc mọc lông.... Có thể nói những thứ gì đem ra kinh doanh, vì tiền người ta có thể làm tất cả. Một người làm được là người khác làm được, một nhà làm được thì nhà khác làm được. Họ không làm láo theo thì họ không bán được nhiều. Mà làm láo xong thì nhiều người khác chết. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét