Mới đây, Chi cục Thủy sản Tây Ninh phối hợp với cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 72 kg đỉa khô do Lâm Văn Việt (31 tuổi) vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam.
Theo Báo Người Đưa Tin, rạng sáng 14/11, trên đường tuần tra tại khu vực ấp Thành Tây, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, lực lượng công an xã phát hiện xe máy mang BKS: 70B1 – 170.94 có dấu hiệu khả nghi do chở cồng kềnh, chạy với tốc độ cao từ hướng biên giới Campuchia về Việt Nam. Tại đây, lực lượng tuần tra tiến hành theo dõi và ngay sau đó đã chặn được xe này.
Ngày 16/11, trao đổi với PV, công an xã Thành Long, huyện Châu Thành (Tây Ninh) cho biết, sau khi tiến hành kiểm tra xe, lực lượng Công an xã phát hiện 2 bao tải chứa đỉa đã sấy khô cùng nhiều hàng hóa khác gồm 2 tấm gỗ xẻ đã thành phẩm, 1 máy may công nghiệp không rõ nguồn gốc...
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, lái xe Lâm Văn Việt (31 tuổi, ngụ ấp Thành Đông, xã Thành Long) khai, một phụ nữ ở xã Thành Long thuê chở số hàng nói trên đến khu vực Trảng Lớn (xã Thái Bình, huyện Châu Thành) với giá 60.000 đồng. Người phụ nữ nói rằng trong bao tải là thuốc nam và cá khô.
Trưa 16/11, cơ quan chức năng đã tiêu hủy toàn bộ số đỉa nói trên. Được biết, đây là vụ vận chuyển đỉa thứ 4 bị bắt quả tang từ trước đến nay tại Tây Ninh, 3 vụ trước đều là đỉa còn sống.
Đỉa sấy khô không thể sinh sôi
Theo Báo điện tử Kiến thức, liên quan tới tin đồn con đỉa sấy khô tán bột cấy vào các loại thực phẩm bánh kẹo, sinh sôi trong bụng người, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng cục ATTP khẳng định: "Việc cấy trứng đỉa, bột đỉa sấy khô vào thực phẩm như bánh quy, mỳ tôm, bim bim hay sữa bột... để sau khi con người ăn phải trứng và bào tử đỉa phát triển thành con đỉa trong cơ thể người, phá hủy nội tạng là không có cơ sở khoa học".
Cũng theo ông Phong, với sản phẩm mì ăn liền, các loại mì đều được sản xuất theo quy trình công nghệ khép kín với những yêu cầu nghiêm ngặt về đảm bảo an toàn thực phẩm. Quá trình tạo ra sản phẩm đòi hỏi phải trải qua công đoạn hấp chín ở 100 độ C và chiên trong dầu ở nhiệt độ 150 độ C. Mì sau khi chiên xong được chạy qua hệ thống quạt để làm nguội, sau đó được phân loại và qua hệ thống kiểm tra chất lượng trước khi đóng gói. Nếu có trứng đỉa hoặc bột đỉa trong đó thì cũng đã chín và không thể nở thành con đỉa được.
Cũng liên quan tới vấn đề trên, PGS.TS Phạm Bình Quyền, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam cho biết: "Bào tử của đỉa qua quá trình chế biến thực phẩm không thể tồn tại được. Trứng đỉa chỉ có thể nở trong môi trường thích hợp, có độ ẩm như ruộng, đất, chứ không thể nở trong ruột, dạ dày. Con đỉa khi có lạc vào trong người cũng không thể sống được bởi trong ruột, trong dạ dày có độ pH, các men tiêu hủy..."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét