Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Sai lầm khi ăn thịt bò nhiều người mắc phải

Bạn thường ăn thịt bò vào buổi sáng hay tối? Thịt bò rất giàu chất sắt nên ai cũng có thể ăn được để bổ sung khoáng chất - điều này đúng hay sai?

Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198) chia sẻ thông tin lợi và hại của thịt bò với PV.

Không ăn thịt bò vào buổi tối

Thịt bò là loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B6, B12, sắt, magne, kẽm, kali...

Trong đó, sắt rất có lợi cho sức khỏe bởi nó vận chuyển oxy tới cơ bắp thông qua các tế bào máu đỏ, giúp cho cơ thể cảm thấy tràn đầy năng lượng.

Sắt còn đóng vai trò quan trọng trong sự hoạt động của gan, thúc đẩy gan làm việc tốt và hiệu quả hơn. Ngoài ra, sắt khống chế chặt chẽ lượng đường trong máu, giúp ngăn chặn mức đường trong máu tăng cao.

thit bo 1

Trong điều kiện gan hoạt động bình thường, sắt là một nguyên tố rất có lợi cho sức khỏe.

Tuy nhiên, bác sĩ Tường Vi khuyến cáo bạn không nên ăn thịt bò vào buổi tối. Nhiều người cho rằng thịt bò không béo nên thường ăn vào bữa tối để kiểm soát cân nặng.

Đây là sai lầm nhiều người mắc phải, bởi lượng sắt dồi dào có trong thịt bò sẽ đi vào cơ thể và “ép” gan hoạt động nhiều, trong khi gan lúc này đang có nhu cầu nghỉ ngơi.

Điều này sẽ gây nhiễu đồng hồ sinh học của gan dẫn đến hậu quả lượng đường trong máu tăng bất thường. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, cơ thể sẽ phải đứng trước nguy cơ bị đái tháo đường và nhiều loại bệnh mạn tính khác.

Ngoài thịt bò ra, các thực phẩm giàu sắt khác như rau lá xanh đậm, các loại đỗ, và các loại trái cây sấy khô như mơ khô và nho khô cũng không nên ăn vào buổi tối.

Không ăn nhiều

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng thịt bò rất nhiều dinh dưỡng, nhiều đạm.

Song, loại thịt này được xếp vào nhóm thịt đỏ và không nên ăn nhiều. Trên thế giới đều khuyến cáo cần hạn chế thịt đỏ.

Giải thích kỹ hơn về điều này, bác sĩ Tường Vi cho hay: “Không phải thịt đỏ có hại với tất cả mọi người.

Chúng chỉ thật không tốt đối với một số bệnh rối loạn về chuyển hóa hay còn gọi là hội chứng chuyển hóa trong đó bao gồm đái tháo đường, thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu, gout.

Bởi chế độ ăn nhiều thịt đỏ sẽ làm cơ thể sẽ thừa chất purin, chất này sẽ chuyển hóa thành các axit uric tăng lên tạo ra các tinh thể urat, các tinh thể đó lắng đọng tại thận sẽ gây ra sỏi thận, ở khớp sẽ gây viêm khớp”.

Bác sĩ Tường Vi cũng cho biết, mỗi loại thịt đều có công dụng và hạn chế riêng. Nếu dùng một cách vừa phải, chúng sẽ giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh.

Nhưng nếu lạm dụng, dù là thịt trắng hay thịt đỏ thì chúng cũng đều có khả năng gây hại cho sức khỏe như nhau.

Bác sĩ lo ngại khi những năm gần đây, thói quen ăn uống của người Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể.

Lượng thịt động vật, thịt chế biến sẵn và chất béo đã tăng rất nhanh trong khẩu phần ăn của người Việt Nam.

Kèm theo đó, tần số các bệnh như ung thư, tim mạch, tai biến và béo phì ở nước ta đang ngày càng tăng ở mức độ báo động.

Do đó, các chuyên gia khuyến nghị người dân cần tăng cường các thực phẩm tươi, tự nhiên, bổ sung chất xơ, các loại thịt từ gia cầm, thủy sản. Đặc biệt cần đa dạng nguồn thực phẩm hàng ngày.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét